Nguy cơ cháy, nổ tại các làng nghề ngày càng tăng cao

Ngày đăng: 17/04/2017  - Lượt xem: 2365

Tỉnh Vĩnh Phúc đang tích cực hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, trong đó chú trọng khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống. Một số làng nghề như: đá Hải Lựu, rèn Lý Nhân, mộc Bích Chu, Thanh Lãng, Minh Tân, Lũng Hạ, đan Triệu Xá, bông vải sợi ở Yên Đồng … đã và đang góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, trong số hơn 40 làng nghề với gần 3.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh đang tồn tại trên địa bàn tỉnh hiện nay nhiều cơ sở còn chưa chú trọng đến công tác đảm bảo môi trường, an toàn lao động, đặc biệt là trong công tác đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy.

Là một trong những làng nghề truyền thống có từ lâu đời, làng nghề bông vải sợi thôn Gia, xã Yên Đồng huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc chuyên sản xuất Chăn Ga gối đệm. Sự hình thành của các doanh nghiệp sản xuất tại làng nghề đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Tuy nhiên, việc phát triển, gia tăng các hộ sản xuất, doanh nghiệp làm nghề một cách tự phát kéo theo nguy cơ xảy ra cháy, nổ cao. Toàn thôn Gia hiện nay có 20 hộ kinh doanh sản xuất chăn ga, gối đệm, bông vải sợi. Những năm gần đây, các hộ sản xuất và các doanh nghiệp tại làng nghề đã nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu thị trường và đổi mới phương thức sản xuất, nhất là đưa máy móc, phương tiện kỹ thuật hiện đại vào sản xuất. Tuy nhiên, việc phát triển mang tính tự phát cùng với mục tiêu tăng lợi nhuận nên các chủ hộ sản xuất, doanh nghiệp thường ít chú ý đầu tư cải thiện môi trường làm việc, đặc biệt là công tác phòng, chống cháy nổ. Qua kiểm tra công tác PCCC hầu hết các cơ sở sản xuất đều không có hệ thống thông gió, các nguyên vật liệu thì dễ cháy, nổ trong khi các phương tiện chữa cháy thì không được trang bị đầy đủ. Chỉ cần một nguồn nhiệt nhỏ như tàn thuốc lá, tàn hương hay tia lửa điện cũng có thể tạo nên một đám cháy lớn. Không những vậy, do phải sử dụng đến nhiều máy móc công suất lớn, đường dây điện chằng chịt, diện tích sản xuất nhỏ nên nhiều hộ kinh doanh tại làng nghề vẫn còn tình trạng thờ cúng ngay tại xưởng và kho sản xuất khiến nguy cơ cháy, nổ cũng luôn thường trực.

Nguy cơ cháy, nổ thì luôn rình rập. Tuy nhiên, nhận thức về PCCC của người đứng đầu của cơ sở còn chưa đầy đủ, chủ quan trong công tác phòng ngừa. Các cơ sở chấp hành chưa nghiêm túc các quy định của Nhà nước về công tác PCCC như: chưa trang bị đầy đủ các phương tiện chữa cháy tại chỗ, không niêm yết nội quy, tiêu lệnh PCCC, nhiều cơ sở còn chưa tham gia tập huấn PCCC. Chính vì vậy nên thời gian vừa qua làng nghề bông vải sợi đã xảy ra nhiều vụ cháy gây thiệt hại không nhỏ cho các cơ sở sản xuất, tiêu biểu như vụ cháy ở xưởng tái chế vải Hạnh Tuấn gây thiệt hại 200 triệu đồng. Công tác chữa cháy tại các làng nghề cũng gặp rất nhiều khó khăn. Đồng chí Thượng tá Phan Việt Hùng – Phó Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC số 3, Cảnh sát PCCC tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: “Khi có sự cố cháy, nổ xảy ra, người đứng đầu các cơ sở và người lao động phần lớn có kỹ năng trong công tác PCCC, số người biết sử dụng phương tiện PCCC tại chỗ còn ít, do đó gây khó khăn trong công tác chữa cháy ban đầu. Cùng với đó, giao thông tại các làng nghề thường không đảm bảo chiều rộng và chiều cao thông thủy nên gây cản trở cho xe chữa cháy, người và phương tiện tham gia công tác chữa cháy. Những vật cản như: cổng làng, vật liệu xây dựng, nguyên liệu sản xuất để trên đường sẽ cản trở xe chữa cháy tiếp cận với đám cháy. Nước phục vụ cho công tác chữa cháy thiếu do không có bến để xe chữa cháy hút nước. Đa số các cơ sở đều không có hệ thống thoát nạn đảm bảo khi có tình huống cháy, nổ xảy ra”.

Lực lượng Cảnh sát PC&CC chữa cháy tại làng nghề mộc thị trấn Minh Tân - huyện Yên Lạc

Trước thực trạng trên, để tăng cường công tác đảm bảo an toàn PCCC tại các làng nghề, Cảnh sát PC&CC tỉnh Vĩnh Phúc đã phối hợp với chính quyền các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, phúc tra về PCCC tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đồng thời, mở nhiều lớp tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức PCCC cho các chủ cơ sở, các cơ sở kinh doanh trong làng nghề; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về PCCC trên hệ thống loa truyền thanh xã, phường, thị trấn và các phương tiện thông tin đại chúng khác. Bà Nguyễn Thị Chung – chủ Doanh ngiệp tư nhân Hoàng Yến cho biết: “ Khi được lực lượng Cảnh sát PCCC nhắc nhở và hướng dẫn cách đảm bảo an toàn PCCC trong quá trình sản xuất kinh doanh, tôi đã biết cách sắp xếp hàng hóa gọn gàng, và trang bị thêm các phương tiện chữa cháy để kịp thời xử lý nhanh khi có cháy, nổ xảy ra”.

Công tác PCCC là của toàn dân, do đó mỗi người dân cần nâng cao ý thức trong công tác PCCC để bảo đảm tài sản, tính mạng chính mình. Các cấp, chính quền địa phương cũng cần quan tâm hơn nữa đến công tác PCCC tại làng nghề. Đảm bảo an toàn PCCC tại các làng nghề sẽ góp phần giữ gìn an ninh trật tự và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh./.

Tác giả: Lệ Thu - Nguồn: Cảnh sát PC&CC tỉnh - Số lần được xem: 2365

Tin bài cùng chuyên mục

Video

Chuyên mục "Toàn dân PCCC" tháng 2/2017 Toàn dân PCCC tháng 12.2016 Toàn dân PCCC tháng 11 Kỹ năng thoát nạn quán karaoke Clip cổ động 114
Xem tất cả »

Hình ảnh


Liên kết website