Trên địa bàn hai huyện Lập Thạch – Sông Lô các sự cố tai nạn đuối nước có thể xảy ra ở các ao, hồ, sông lớn như: Sông Lô, sông Phó Đáy, hồ Vân Trục, hồ Bò Lạc, hồ Suối Sải… hoặc cũng có thể xảy ra ngay trực tiếp tại các ao cá gia đình. Hầu hết các sự cố tai nạn đuối nước thường xảy ra vào mùa hè khi thời tiết nắng nóng, thời điểm nghỉ hè của học sinh các trường học và cũng là thời điểm có thể xảy ra các sự cố thời tiết mưa bão, lũ lụt… Nguyên nhân cơ bản của những vụ đuối nước nêu trên chủ yếu do nhận thức của cộng đồng người dân, thiếu sự giám sát của người lớn đối với trẻ nhỏ để các cháu nhỏ chơi xung quanh khu vực có thể xảy ra các sự cố đuối nước, người dân thiếu kỹ năng bơi lội, môi trường sống không an toàn, do thiên tai lũ lụt…Sự cố đuối nước có thể xảy trong giờ hành chính, ngoài giờ hành chính, xảy ra vào ban ngày, ban đêm; sự cố thường xảy ra ở những khu vực nước sâu, nước chảy xiết; thời gian để tổ chức công tác cứu nạn đối với nạn nhân đuối nước thường rất ngắn, công tác cứu nạn đòi hỏi người cứu nạn phải nắm chắc các kĩ thuật cứu nạn dưới nước (đã có nhiều trường người cứu gặp nạn trong cứu nạn các sự cố đuối nước).
Để phòng tránh tai nạn đuối nước xảy ra Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy số 4, Cảnh sát PCCC tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân và nhân dân thực hiện tốt một số vấn đề sau:
Định hướng các hoạt động sinh hoạt, vui chơi tập thể để thu hút mọi người vào các hoạt động an toàn lành mạnh. Đặc biệt đối với trẻ nhỏ, thời gian nghỉ hè cần có những hoạt động bổ ích thiết thực cho các em.
Phòng tai nạn đuối nước trong gia đình bạn bằng cách rào quanh ao hoặc nơi có nước sâu để bảo vệ người dân. Giếng, bể, chum vại, chậu nước và thùng nước phải có nắp đậy an toàn và chắc chắn. Không để cho trẻ chơi tự do ở những khu vực có khả năng xảy ra sự cố đuối nước như: ao, hồ, sông, suối…Luôn ở cạnh trẻ em và theo dõi sát khi chúng tắm hoặc chơi ở ao, hồ, sông, suối, nơi có nước sâu, đặc biệt là không được để trẻ đi tắm bơi lội ở ao hồ một mình mà không có người lớn biết bơi đi kèm.
Trong mùa mưa lũ, kịp thời phát hiện các yếu tố nguy cơ để hạn chế tiếp xúc với các khu vực có khả năng xảy ra các sự cố đuối nước, cần phải có biển báo những chỗ nước sâu, nguy hiểm, có khả năng xảy ra lũ quét, lũ cuốn và nhắc nhở người dân tuân theo các lời chỉ dẫn.
Mỗi người đều phải tự tập luyện và tổ chức cho người thân của mình tập luyện các kĩ năng đảm bảo việc sinh tồn trong cuộc sống, đặc biệt là mùa hè với các hoạt động dưới nước và trước mùa mưa bão đang đến gần.
Khi gặp người đuối nước, ta phải hô hoán, kêu gọi những người xung quanh tới trợ giúp, đồng thời phải luôn phải để ý đến nạn nhân và tìm mọi cách để vớt họ lên. Gọi điện báo lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH theo số điện thoại 114 hoặc 0211.3634.998.
.jpg)
CBCS Phòng Cảnh sát PCCC số 4 tổ chức cứu nạn, cứu hộ nạn nhân đuối nước trên Sông Lô
Đối với từng trường hợp sự cố đuối nước và người trực tiếp tham gia cứu, có thể triển khai cứu nạn nhanh nhất có thể bằng một số cách sau:
- Trường hợp nạn nhân ở gần bờ, có thể dùng chiếc gậy, cây sào…hoặc xa hơn thì dùng 1 cuộn dây buộc một đầu vào một vật gì đó nổi lên được trên mặt nước như can nhựa, thùng nhựa, chai nước lọc, thùng dầu ăn…rồi níu chặt lấy một thân cây, một mô đất hoặc một vật gì chắc chắn và ném hoặc đưa vật hiện có cho nạn nhân nắm lấy để lôi vào bờ.
- Nếu có thuyền, ta chèo thuyền đến chỗ nạn nhân, ghé mạn thuyền cho nạn nhân bám vào và lôi vào, cũng có thể đưa tay hoặc mái chèo ra cho nạn nhân nắm lấy, hoặc trong trường hợp khẩn thiết, ta buộc dây vào người và nhảy xuống nước cứu họ và dìu lên thuyền.
-Trường hợp nếu người cứu bơi giỏi, nạn nhân ở xa bờ không thể dùng gậy hoặc sào thì cởi áo thật nhanh, bơi nhanh về phía nạn nhân, đến gần cầm chặt tay áo, tung thân áo cho nạn nhân nắm lấy, rồi vừa bơi vừa kéo họ vào bờ. Hoặc dùng tay nắm ngay chùm tóc phía trên trán, giựt ngửa đầu nạn nhân ra đằng sau (dùng cứu các nạn nhân nữ rất hiệu quả).