Thực trạng công tác PCCC tại các cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc

Ngày đăng: 01/12/2016  - Lượt xem: 4964

Thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ Công an và Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc về tăng cường rà soát, kiểm tra và kiên quyết đình chỉ hoạt động các quán karaoke, quán bar không tuân thủ các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy sau khi xảy ra vụ cháy Quán karaoke 68, đường Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Trong tháng 11/2016, Cảnh sát PC&CC tỉnh đã xây dựng Kế hoạch và tổ chức tổng kiểm tra công tác an toàn PCCC đối với các cơ sở có kinh doanh vũ trường, karaoke, quán bar trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có hơn 400 cơ sở đang hoạt động, trong đó đa phần là các cơ sở xây dựng theo kiểu nhà ống 02 đến 03 tầng với số lượng từ 02 đến 05 phòng hát. Qua kiểm tra của lực lượng Cảnh sát PC&CC tỉnh cho thấy hầu hết các quán karaoke đều chưa có hồ sơ theo dõi và quản lý về công tác PCCC. Đa phần các quán bar, karaoke hiện nay đều được xây dựng trên một diện tích mặt bằng khá chật hẹp, nhiều cơ sở còn tận dụng diện tích nhà ở để mở quán karaoke cho nên không có hồ sơ thẩm duyệt về PCCC, lối thoát nạn cũng không đảm bảo, nhiều cơ sở chỉ có một cầu thang bộ, không có cầu thang thoát hiểm độc lập, mỗi phòng hát chỉ có duy nhất một cửa thoát hiểm. Hầu hết các phòng hát đều chứa các vật liệu dễ cháy như: Mút, xốp, cao su non, bông thủy tinh…làm vật liệu cách âm. Tình trạng khách thắp nến tổ chức sinh nhật, hút thuốc lá... diễn ra phổ biến nên cháy, nổ có thể xảy ra bất cứ khi nào. Nguy cơ cháy, nổ thì luôn rình rập, thế nhưng chủ cơ sở chưa có biện pháp để đảm bảo an toàn trong quá trình kinh doanh.

Lực lượng Cảnh sát PC&CC tỉnh kiểm tra tại Quán karaoke Olala (thành phố Vĩnh Yên)

Hầu hết các cơ sở kinh doanh Karaoke (khoảng 70%) trừ cán bộ quản lý, chủ cơ sở được đào tạo về kiến thức phòng cháy và chữa cháy, còn các nhân viên  phục vụ, tiếp tân thường là những người làm việc theo ca, sinh viên làm thêm, hầu như không được tập huấn kỹ năng xử lý khi có tình huống cháy, nổ, không thông thạo sử dụng các phương tiện chữa cháy tại chỗ được trang bị, chưa được tập huấn về kiến thức phòng cháy và chữa cháy.

Các cơ sở kinh doanh Karaoke lại thường nằm trong các tuyến phố lớn, trong khu vực đông dân cư, sát với các hộ dân liền kế, vì vậy nếu xảy ra các vấn đề cháy, nổ thường không kịp thời xử lý, kiểm soát được đám cháy, dễ gây nên hậu quả thiệt hại nặng nề về tài sản, thậm chí an nguy đến tính mạng của con người. Ngoài ra, tại các quán karaoke thường có biển quảng cáo lớn bên ngoài bịt kín lối thông gió, gây khó khăn cho lực lượng Cảnh sát PC&CC tiếp cận đám cháy và tổ chức cứu nạn, cứu hộ. Qua kiểm tra cho thấy khoảng 80% cơ sở chưa tổ chức thực tập phương án chữa cháy năm 2016 theo quy định, nhiều cơ sở chưa xây dựng phương án chữa cháy tại chỗ.

Hoạt động kinh doanh Karaoke là loại hình kinh doanh có điều kiện, đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt về điều kiện kinh doanh, điều kiện phòng cháy và chữa cháy, an ninh trật tự được quy định tại Nghị định số 103/2009/NĐ-CP, ngày 06/11/2009 của Chính phủ ban hành quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng và được hướng dẫn chi tiết tại Thông tư số 47/2015/TT-BCA, ngày 06/10/2015 của Bộ Công an hướng dẫn về bảo đảm an toàn PCCC đối với cơ sở kinh doanh vũ trường, karaoke. Đây là loại hình kinh doanh thuộc danh mục cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ. Theo đó chủ cơ sở kinh doanh Karaoke phải đáp ứng các điều kiện thiết kế phòng cháy và chữa cháy, điều kiện về thiết kế, thi công xây dựng, có biện pháp phòng cháy và chữa cháy hợp lý, bố trí các trang thiết bị phòng cháy và chữa cháy ở vị trí thích hợp để thuận lợi sử dụng khi có cháy, nổ xảy ra.

Ngoài ra, chủ các cơ sở kinh doanh vũ trường, karaoke phải tham gia huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về phòng cháy và chữa cháy, tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng cháy và chữa cháy cho người lao động làm việc tại cơ sở; tổ chức huấn luyện cho người lao động làm việc tại cơ sở biết sử dụng dụng cụ, phương tiện phòng cháy và chữa cháy đã được trang bị. Việc trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy đối với cơ sở phải đúng theo quy định của Nhà nước.

Nhằm ngăn ngừa các sự cố cháy, nổ tại các vũ trường, karaoke và cơ sở dịch vụ vui chơi giải trí, góp phần đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân, các cơ sở kinh doanh karaoke cần thiết kế bậc chịu lửa của công trình phù hợp với quy mô, tính chất hoạt động của công trình, có giới hạn chịu lửa phù hợp với tính chất sử dụng và chiều cao của công trình theo quy định, có giải pháp ngăn cháy, chống cháy lan; Hệ thống âm thanh, hệ thống điện, chống sét, chống tĩnh điện và việc bố trí thiết bị này trong công trình bảo đảm các yêu cầu an toàn phòng cháy và chữa cháy; Lối thoát nạn của công trình bảo đảm theo quy định; Lắp đặt biển quảng cáo không che kín cả nhà, công trình, che lấp các lối thoát nạn, ban công…

Vào dịp cuối năm, ngày lễ, ngày tết, liên hoan khách hàng lui tới các quán Karaoke, vũ trường càng đông. Để đảm bảo an toàn khi tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí tại đây, ngoài các giải pháp đảm bảo an toàn PCCC của các cơ quan chúc năng và chủ cơ sở, người dân, phải tìm hiểu kỹ năng thoát nạn khi tham gia tại các điểm vui chơi giải trí, không mang chất dễ cháy, nổ đến những nơi này.

Khương Duy – Cảnh sát PC&CC

Video

Chuyên mục "Toàn dân PCCC" tháng 2/2017 Toàn dân PCCC tháng 12.2016 Toàn dân PCCC tháng 11 Kỹ năng thoát nạn quán karaoke Clip cổ động 114
Xem tất cả »

Hình ảnh


Liên kết website