Ngày 25 tháng 6 năm 2015, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 47-CT/TW về về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy (Chỉ thị 47). Sau 2 năm, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh, công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH) đã đạt được những kết quả quan trọng, việc phòng cháy ở nhiều nơi đã đi vào nền nếp; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC được tăng cường; phong trào toàn dân tham gia PCCC&CNCH được đẩy mạnh, phát triển sâu rộng; lực lượng Cảnh sát PC&CC tỉnh được kiện toàn về tổ chức, bộ máy; cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện được đầu tư ngày càng đầy đủ và hiện đại; công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được triển khai nhanh, kịp thời, hiệu quả…, từng bước kiềm chế sự gia tăng về số vụ cháy, nổ, sự cố tai nạn và thiệt hại do cháy, nổ, sự cố, tai nạn gây ra, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
Để cụ thể hóa Chỉ thị 47, ngày 26/11/2015 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Chương trình hành động số 02-CTr/TU và UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Kế hoạch số 8411/KH-UBND ngày 31/12/2015 về thực hiện Chỉ thị 47. Trên tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các Huyện, Thành, Thị ủy, Đảng ủy trực thuộc và các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành, thị đã xây dựng chương trình, kế hoạch hành động triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 47. Bên cạnh đó, lực lượng Cảnh sát PC&CC tỉnh đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh nhiều văn bản khác nhằm chỉ đạo, kiểm tra, xây dựng, hoàn thiện cơ sở pháp lý về PCCC&CNCH tại cơ sở, địa bàn. Nổi bật là: Chỉ thị số 01-CT/TU ngày 29/12/2015 và Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 16/12/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và xây dựng lực lượng Cảnh sát PC&CC tỉnh Vĩnh Phúc; Kế hoạch số 6617/KH-UBND ngày 22/9/2016 về phát động phong trào thi đua toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, giai đoạn 2016-2021; Chỉ thị số 22/CT-UBND ngày 15/11/2016 về việc tăng cường công tác quản lý hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng tại các cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường và quảng cáo ngoài trời; Chỉ thị số 24/CT-CT ngày 22/12/2016 về việc tăng cường thực hiện các giải pháp phòng cháy, chữa cháy rừng, bảo vệ rừng năm 2016-2017; Chỉ thị số 25/CT-UBND ngày 22/12/2016 về việc thực hiện cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, đảm bảo an ninh, trật tự Tết Nguyên đán Đinh Dậu và các Lễ hội đầu năm 2017...
.jpg)
Huyện Tam Dương quán triệt, triển khai Chỉ thị 47 của Ban Bí thư
Nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, UBND tỉnh đã chỉ đạo Cảnh sát PC&CC tỉnh phối hợp với các cơ quan báo chí của tỉnh đăng, phát chuyên trang, chuyên mục “Toàn dân phòng cháy, chữa cháy” hằng tháng và đăng tải 74 phóng sự, 949 tin, bài, 334 ảnh về các hoạt động phòng cháy, chữa cháy; đặt, treo 06 pano, 20 băng zôn; hướng dẫn 676 cơ sở, 115 xã, phường, thị trấn treo băng zôn, khẩu hiệu tuyên truyền hưởng ứng Ngày toàn dân PCCC và Tháng cao điểm về phòng cháy, chữa cháy...; phát 3.703 lượt tin trên đài phát thanh các xã, phường, thị trấn tuyên truyền khuyến cáo, phổ biến, giáo dục kiến thức, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, cảnh báo những nguy cơ, rủi ro gây mất an toàn phòng cháy, chữa cháy; hướng dẫn kiến thức, kỹ năng phòng ngừa, thoát nạn khi có cháy, nổ xảy ra; công khai phê phán các hành vi thiếu trách nhiệm, các vi phạm nghiêm trọng về phòng cháy, chữa cháy của các cơ sở, cá nhân có liên quan trên các phương tiện thông tin đại chúng để giáo dục phòng ngừa chung. Tổ chức 1.083 cuộc tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho 3.628 cơ sở và các thôn, tổ dân phố, thu hút 71.889 người tham gia. Chỉ đạo Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Cảnh sát PC&CC tỉnh mở 19 lớp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức về phòng cháy, chữa cháy cho 2.850 người theo Nghị quyết số 209/2015/NQ-HĐND, ngày 22/12/2015 của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016 - 2020.
Công tác xây dựng phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được phát triển sâu rộng, lôi cuốn được đông đảo cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân tự giác, tình nguyện tham gia công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; gắn công tác xây dựng phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ với xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, với phương châm 4 tại chỗ (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ và hậu cần tại chỗ), nòng cốt là lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở và chuyên ngành. Tập trung xây dựng, kiện toàn, củng cố lực lượng phòng cháy, chữa cháy tại chỗ vững mạnh toàn diện, đã xây dựng được 2.083 đội phòng cháy, chữa cháy cơ sở, với 21.259 đội viên; 934 đội dân phòng, với 10.790 đội viên. Củng cố, duy trì phát huy tác dụng, hiệu quả của 94 mô hình, điển hình tiên tiến trong công tác phòng cháy, chữa cháy và đang tiếp tục xây dựng, nhân rộng mới các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo hướng tự nguyện, tự phòng, tự quản. Thành lập, kiện toàn được 9/9 Ban Chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cấp huyện; Ban Chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cấp tỉnh đang được lãnh đạo UBND tỉnh nghiên cứu, xét duyệt và ban hành.
Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy, lực lượng Cảnh sát PC&CC tỉnh tổ chức kiểm tra định kỳ, kiểm tra liên ngành, kiểm tra chuyên đề an toàn PCCC đối với các cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC, trong đó chú trọng kiểm tra các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao; kết quả, đã kiểm tra an toàn PCCC được 12.638 lượt cơ sở, qua kiểm tra phát hiện nhiều tồn tại, thiếu sót, đã nhắc nhở, kiến nghị các cơ sở tự khắc phục, lập 570 biên bản xử phạt vi phạm hành chính, với tổng số tiền phạt là 1.127,2 triệu đồng.
Công tác thẩm duyệt, nghiệm thu và cấp giấy phép về phòng cháy, chữa cháy được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định; tổ chức tiếp nhận và giải quyết các hồ sơ thẩm duyệt, nghiệm thu và cấp giấy phép về phòng cháy, chữa cháy, tạo thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp và người dân. Các dự án, công trình thuộc diện thẩm duyệt về phòng cháy, chữa cháy đều được thẩm duyệt về phòng cháy, chữa cháy. Qua công tác thẩm duyệt, phát hiện các sai phạm, thiếu sót và kiến nghị chủ đầu tư, cơ quan tư vấn thiết kế kịp thời sửa chữa, điều chỉnh các giải pháp liên quan đến an toàn phòng cháy, chữa cháy ngay từ khi thiết kế công trình và trong quá trình thi công xây dựng, góp phần tiết kiệm kinh phí và thời gian trong quá trình thực hiện dự án; các phương tiện vận chuyển hàng nguy hiểm về cháy, nổ đều được cấp giấy phép về phòng cháy, chữa cháy. Kết quả, đã thẩm duyệt và cấp Giấy chứng nhận thẩm duyệt 465 công trình, kiểm tra nghiệm thu hệ thống phòng cháy, chữa cháy 149 công trình...
Tổ chức xây dựng 757 phương án chữa cháy, 196 phương án cứu nạn, cứu hộ và đã tổ chức thực tập được 644 phương án chữa cháy, 161 phương án cứu nạn, cứu hộ, trong đó có 43 phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ có nhiều lực lượng, phương tiện tham gia.
Đẩy mạnh quan hệ hợp tác quốc tế, nhất là với các nước có trình độ khoa học công nghệ tiên tiến về PCCC để trao đổi kinh nghiệm, tranh thủ công nghệ hiện đại và nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ, chiến sỹ lực lượng Cảnh sát PCCC; đã tiếp 02 đoàn công tác của Chính phủ Áo và Nhật đến khảo sát và trao đổi kinh nghiệp về phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; có 03 lượt cán bộ lãnh đạo Cảnh sát PC&CC tỉnh đi thăm quan, học tập kinh nghiệm ở các nước châu Âu và Hàn Quốc.
Tuy nhiên, tình hình cháy, nổ, sự cố, tai nạn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, khó lường, nhất là tại các khu dân cư, hộ gia đình, nhà cao tầng, chợ, Trung tâm thương mại và rừng. Trong 2 năm, lực lượng Cảnh sát PC&CC tỉnh tã tổ chức cứu chữa 59 vụ cháy, ngăn ngừa, hạn chế cháy lan, cháy lớn, cứu chữa được nhiều tài sản có giá trị và điều tra làm rõ nguyên nhân được 54/59 vụ cháy; cứu nạn, cứu hộ 17 vụ, đã cứu được 7 người và tìm kiếm, vớt được 15 thi thể nạn nhân bị đuối nước. Nguyên nhân chủ yếu là do việc tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ hiệu quả chưa cao do nhận thức chưa đầy đủ của một bộ phận không nhỏ người đứng đầu; Ủy ban nhân dân cấp xã có lúc, có nơi chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình đối với công tác phòng cháy, chữa cháy; công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, giáo dục pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ hiệu quả chưa cao do thời lượng, nội dung, hình thức tuyên truyền chưa bám sát yêu cầu thực tế. Việc triển khai thực hiện phương châm "4 tại chỗ" trong công tác phòng cháy, chữa cháy còn hạn chế, mang tính hình thức. Công tác xử lý vi phạm các quy định an toàn phòng cháy, chữa cháy có nơi, có lúc chưa nghiêm, chưa xử lý dứt điểm các vi phạm, thường chỉ dừng ở việc kiểm tra, hướng dẫn và kiến nghị; việc tổ chức thực hiện, khắc phục các vi phạm, tồn tại chưa triệt để, nhiều vi phạm, tồn tại còn để kéo dài. Công tác quy hoạch đô thị còn nhiều bất cập, chưa gắn quy hoạch về phòng cháy, chữa cháy với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội...
Trong thời gian tới, để thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 47-CT/TW ngày 25/6/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy, các cấp, các ngành phải coi công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng, thường xuyên, cần huy động cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia; tiếp tục thực hiện có hiệu quả Luật phòng cháy, chữa cháy; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy, chữa cháy và các văn bản pháp luật có liên quan; huy động lực lượng, phương tiện triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các vụ cháy tại nơi có nguy cơ cháy cao, như: Khu công nghiệp, chợ, trung tâm thương mại, nhà cao tầng, cơ sở kinh doanh lưu trú, dịch vụ giải trí... Trong đó lực lượng Cảnh sát PC&CC tỉnh là lực lượng nòng cốt, chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng tăng cường chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, rà soát ngay các cơ sở có nguy cơ cháy cao, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về phòng cháy, chữa cháy, kiên quyết tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động đối với cơ sở không bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy; trường hợp vi phạm nghiêm trọng cần truy cứu trách nhiệm hình sự theo đúng quy định của Bộ luật hình sự; xử lý và tham mưu, đề xuất xử lý các cơ sở trên địa bàn tỉnh không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy theo quy định./.
Khương Duy – Cảnh sát PC&CC tỉnh